Tuesday, October 29, 2013

Chút Ngậm Ngùi Với Quê Hương


Tôi dng chân trú mưa ở một quán cơm chiều gần Ngã Tư Hàng Xanh, Sài Gòn. Gió thổi mạnh. Nhiều khách bộ hành phải dừng chân. Những chiếc xe máy cũng ướt đẫm. Có chiếc vội vã ra về trong cơn mưa. Có nguời dừng bước, mong cơn mưa sớm tạnh. Quán đông đúc có nhiều bước chân chen lấn. Tôi tìm một góc riêng giữa đám người xa lạ. Một cụ bà khoảng 80 tuổi vội vã tiến lại. Trên tay cụ là những xấp vé số đã thấm những hạt mưa. Bàn tay cụ run rẩy vì lạnh. Còn ánh mắt thì như nài nỉ lòng thương hại cuối chiều. Cụ như muốn nói, “đây là bữa cơm chiều của tôi, xin cậu giúp thêm vài hạt gạo.” Cụ đã đi qua những bàn ăn trong quán. Có người sẵng lòng mua vài tấm vé, có người hất hủi đuổi đi, vì làm phiền đến bữa cơm chiều của họ.
Tôi nhìn cụ ngậm ngùi, một sự so sánh chợt thoáng trong đầu. Tôi so sánh cụ với những cụ già đang sống ở Mỹ. Có người cô đơn, có người được chăm sóc bởi con cái. Nhưng không ai phải lam lũ giữa mưa gió để kiếm bữa cơm chiều. Tôi xin cụ mười tấm vé số, cụ vội vàng đưa ngay, vì sợ khách có khi đổi ý. Ở giữa chợ đời, thay đổi ý là chuyện hàng ngày. Chuyện mua bán, chuyện làm ăn, và kể cả chuyện tình yêu… thay đổi trở thành quen thuộc. Do đó trong việc mua bán, việc mua nhanh bán lẹ cần được thực hiện vội vàng.
Ngày xưa cha ông cũng khuyên nhiều thanh niên trẻ:  “ Lấy vợ thì lấy liền tay, kẻo để lâu ngày lắm kẻ dèm pha.” Các cụ ngày xưa đã sống những kinh nghiệm sợ bị đổi ý, kể cả chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái. Còn cụ bà này, cụ đã gặp nhiều người lục soát nhiều vé, nhưng cuối cùng cũng chỉ mua vài tấm. Có khi người ta đổi ý, rồi mời cụ đi bàn khác, vì chưa gặp con số muốn chọn.  Cụ hiểu tâm lý khách hàng, nên khi nghe tôi để nghị mua mười vé, cụ vội vã đưa ngay. Lòng bồi hồi chờ đợi, vì sợ khách hang đổi ý!
Cuộc đời có những bồi hồi chờ đợi. Bồi hồi để được chấp nhận một lời cầu hôn. Rồi lòng hồi hộp để được nhận vào trường học tốt, vào công sở, hay lo lắng chờ đợi kết quả xét nghiệm xem có bị bịnh hiểm nghèo. Tất cả đều mang tâm trạng lo lắng, bồi hồi. Thế nhưng, lòng hồi hộp để khách hàng chấp nhận hay từ chối về mấy tấm vé số của một cuộc đời đã ở tuổi 80 là một chuyện buồn. Nỗi buồn của một con người, và nỗi buồn của một quê hương.
Rồi tôi nhận từ cụ mười tấm vé số, đưa tiền trả cụ, rồi trả lại cụ những tấm vé số cụ vừa trao, mong sao cụ bán được thêm cho bữa cơm chiều. Ánh mắt cụ long lanh, xúc động. Cụ cám ơn nồng nàn như thể vừa được tặng ban một ân hụệ thật lớn lao. Cụ làm tôi xúc động, nhưng trong tôi dường như có chút mặc cảm xen lẫn. Mặc cảm là vì mình chỉ làm một việc thiện quá nhỏ nhen, nhưng lại nhận được một lòng tri ân quá lớn. Mười tấm vé số có giá trị chưa bằng một đồng dollar, sao mình lại nhận được lòng tri ân lớn lao như thế. Trong cuộc sống, tôi nhận được nhiều món quà lớn hơn gấp bội, nhưng có khi chưa diễn tả được lòng tri ân như cụ già này. Niềm vui quá lớn, khiến cụ nán lại ít phút chuyện trò như thể mới gặp được một ân nhân trong cuộc đời bán vé số.
Tôi hỏi cụ đã  bắt đầu bán vé số từ năm nào?
“Mới hai tuần, thưa cậu.” Cụ trả lời trong ánh mắt buồn.
“Tôi rời Quy Nhơn vào Sài Gòn sinh sống được tháng nay. Quê hương cằn cỗi, con cháu đã bỏ đi xa. Tuổi già, miền đất cằn cỗi không tìm nổi miếng cơm nuôi miệng. Thấy lũ trẻ tuôn vào thành phố sinh sống, tôi cũng theo chúng vào đây, mong sống qua ngày.”

Tuổi trẻ vào đời ở tuổi mười tám đôi mươi, còn cuộc đời như hoàng hôn sắp tắt vẫn phải lê chân vào đời.  Tương lai không còn là để “trở thành,” mà là để sống còn. Bước chân mỏi mệt của kiếp làm người không thấy bình minh. Gần bốn mươi năm quê hương không còn chiến tranh, không còn bom đạn, nhưng sao nhiều thân phận vẫn không thấy ánh bình minh.
Trời bên ngoài vẫn mưa tầm tã, nhưng đường phố vẫn vội vã những chuyến xe. Tôi ngồi nhìn mưa, nhìn đường phố, và nhìn vào phận người. Mưa rồi có lúc sẽ tạnh, đường phố sẽ có lúc vắng lặng. Nhưng riêng phận người, có lẽ sẽ không bao giờ được ngừng nghỉ như những cơn mưa. Tôi ngồi thầm mong cho cơn mưa sớm tạnh, để cụ già tám mươi này sớm bán xong những tấm vé số còn dang dở, trong đôi tay của một cuộc đời còn dang dở hơn cả những tấm vé số.
NTN

No comments:

Post a Comment